Đất Chín Rồng đã có luồng ra biển lớn
Ngày đăng: 16 February, 2022
Đất Chín Rồng đã có luồng ra biển lớn.
Những đoàn tàu chở hàng nghìn tấn ra-vào sông Hậu qua kênh Quan Chánh Bố thời gian qua đã minh chứng sự đúng đắn của việc quyết tâm thực hiện Dự án luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu.
Chuyến tàu container 7.000 tấn đầu tiên chở hàng đi qua kênh Tắt vào sông Hậu để cập cảng Tân Cảng – Cái Cui
Niềm vui đón tàu lớn
5h sáng ngày 24/10, tàu container đầu tiên có trọng tải gần 7.000 tấn từ biển rẽ sóng đi vào kênh Tắt đến kênh Quan Chánh Bố vào sông Hậu để cập cảng Tân Cảng – Cái Cui (Cần Thơ). Khi tàu này đi qua kênh Tắt và kênh Quan Chánh Bố, rất nhiều cán bộ của Ban Quản lý dự án (QLDA) Hàng hải, các nhà thầu và cả người dân địa phương ra dọc hai bên bờ kênh để chào đón.
Mặc dù dự án đã hoàn thành, tư vấn đã kiểm tra, Cảng vụ Hàng hải Cần Thơ cũng đã khảo sát tuyến luồng đảm bảo an toàn cho tàu vào, nhưng trong mỗi người, dù không nói ra nhưng họ chào đón chuyến tàu container hàng nghìn tấn đầu tiên vào kênh Quan Chánh Bố với sự háo hức, hồi hộp, lo lắng xen lẫn niềm vui, tự hào. “Phải đến hơn 11h khi tàu cập cảng Tân Cảng – Cái Cui (Cần Thơ) thì chúng tôi mới thở phào nhẹ nhõm”, ông Trần An Hải, Phó tổng giám đốc Ban QLDA Hàng hải, chia sẻ.
Gặp ông Trần Anh, Tổng giám đốc Ban QLDA Hàng hải, giờ mới thấy khuôn mặt ông rạng nụ cười tươi. Bao nhiêu tháng ngày vất vả lăn lộn tại công trường giờ đã đưa đến kết quả thành công. Nhớ lại giai đoạn đầu năm 2015 khi dự án được chuyển về Ban QLDA Hàng hải lúc đó công việc còn rất bộn bề. Gió Tây Nam hoạt động kéo dài khiến gói thầu đê biển phía Nam không triển khai được. Thời gian kết thúc dự án đang ngắn lại từng ngày, cả Ban QLDA cũng như nhà thầu như ngồi trên lửa.
Tại công trường, các cuộc họp được tổ chức thường xuyên. Đích thân lãnh đạo Bộ GTVT tháng nào cũng vào công trường kiểm tra, kiểm điểm tiến độ. Với sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ GTVT, Ban QLDA Hàng hải đã cùng các nhà thầu sát cánh, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.
“Cứ qua mỗi mốc thời gian của dự án, chúng tôi thở phào một chút rồi tiếp tục những công việc khó nhọc hơn phía trước. Đến giờ này, khi dự án đã hoàn thành, những chuyến tàu container và tàu hàng rời trọng tải lớn ra-vào sông Hậu an toàn, chúng tôi mới cảm thấy vinh dự khi mình đã góp một phần công sức cho dự án mang tầm chiến lược này”, ông Trần Anh tâm sự khi nhớ lại những mốc thời điểm như: Ngày 3/10/2015 hợp long đê biển phía Nam; Ngày 13/1/2016 cắt QL53 để thi công luồng kênh Tắt; Ngày 20/1 chính thức nối thông luồng; Ngày 1/7 đón chuyến tàu 4.000 tấn đầu tiên; Ngày 24/10 đón tàu container đầu tiên… Ông Võ Minh Tiến, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Cần Thơ cho biết, từ ngày thông luồng đến nay đã có 14 chuyến tàu tải trọng từ 4.000 tấn đến 20.000 tấn qua kênh Tắt để vào các cảng trên sông Hậu. Trung bình 8 ngày có một chuyến tàu container tải trọng 7.000 tấn. Ngoài ra, có những tàu chở hàng rời tải trọng trên 20.000 tấn ra-vào an toàn.
Đất Chín Rồng cất cánh
Luồng sông Hậu thênh thang chờ đón những con tàu lớn
Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt là người đau đáu trong việc tìm lối ra biển cho vùng ĐBSCL. Năm 1994, đoàn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt và các nhà khoa học nhiều lần đi khảo sát các tuyến luồng, cửa biển trong khu vực này. Có nhiều giải pháp đưa ra như tiến hành nạo vét luồng Trần Đề, cửa Định An để tận dụng tự nhiên, tiết giảm chi phí. Sau khi phân tích một cách khoa học các yếu tố tự nhiên, tính khả thi và bền vững lâu dài, phương án nạo vét kênh Quan Chánh Bố và đào một tuyến kênh Tắt dài 8,2km để mở lối ra biển đã được lựa chọn. Phương án này được xem là tối ưu và được Chính phủ quyết tâm thực hiện.
Cuối tháng 12/2009, dự án Luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu được khởi công. Mục tiêu là xây dựng luồng tàu ổn định, lâu dài cho tàu biển có trọng tải 10.000 DWT (đầy tải) đến 20.000 DWT (giảm tải) ra-vào. Nhưng khó khăn về nguồn vốn khiến dự án phải đình hoãn. Đến tháng 3/2014 dự án được tái khởi động và thực hiện trong hai giai đoạn. Giai đoạn I, từ 2014 – 2016 triển khai trên chiều dài 46,5km. Giai đoạn II, từ 2016 – 2017, hoàn thành các hạng mục còn lại đảm bảo tính ổn định, đồng bộ, đảm bảo dân sinh. Tổng mức đầu tư của dự án là 9.781 tỷ đồng.
Đến nay, giai đoạn I của dự án đã hoàn thành. Những chuyến tàu tải trọng lớn liên tục qua kênh Quan Chánh Bố để ra-vào sông Hậu mang theo những tấn hàng nông sản của vùng đất Chín Rồng ra với thế giới. Sứ mệnh của những người đi trước mở đường lớn ra biển cho vùng đất Chín Rồng được xem như đã hoàn thành bước đầu.
Ông Võ Minh Tiến, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Cần Thơ, là một trong những người trực tiếp lăn lộn trên luồng tuyến để đảm bảo cho những chuyến tàu đầu tiên vào sông Hậu an toàn. Những ngày đầu mới đưa vào khai thác thử nghiệm luồng, các cán bộ Cảng vụ Hàng hải Cần Thơ phải túc trực ngày, đêm. Trước khi có tàu vào, lực lượng Cảng vụ Hàng hải phối hợp với Biên phòng tỉnh Trà Vinh, chính quyền địa phương tổ chức khảo sát luồng, thanh thải những đáy cá trên kênh để đảm bảo an toàn cho tàu đi qua. “Đến thời điểm này, có thể khẳng định, luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu đã đạt các yêu cầu về kỹ thuật để đón những chuyến tàu hàng lớn vào sông Hậu đúng như thiết kế”, ông Tiến nói.
Ông Trần Anh, Tổng giám đốc Ban QLDA Hàng hải cho biết, giai đoạn II của dự án đang được triển khai để hoàn thành những hạng mục thiết yếu nhằm đảm bảo luồng tuyến, chống sạt lở hai bên bờ, ổn định đời sống của người dân trong khu vực dự án.
Tới đây, những chuyến tàu container trên 10.000 tấn (đầy tải) và 20.000 tấn (giảm tải) tiếp tục ra-vào sông Hậu qua kênh Quan Chánh Bố. Tỉnh Trà Vinh đã quy hoạch một khu vực rộng lớn dọc hai bên tuyến kênh Tắt để làm Khu công nghiệp Duyên Hải, đón đầu những ngành công nghiệp có tiềm năng như: Sửa chữa tàu thuyền, đóng thuyền và nhiều dịch vụ khác. Các địa phương khác như: Cần Thơ, Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long cũng đã nâng cấp hệ thống cảng nhằm gom hàng cho tàu container trực tiếp vận chuyển xuất khẩu ra nước ngoài mà không phải đi đường bộ lên TP.HCM.
Ngoài ra, dự án hoàn thành còn góp phần phát huy tối đa hiệu quả của các cảng trên sông Hậu, bao gồm các cảng khu vực: Cần Thơ, Hậu Giang, Vĩnh Long, An Giang, các Trung tâm Nhiệt điện Sông Hậu, Long Phú… Đồng thời, sẽ đóng vai trò là lối ra biển huyết mạch, ổn định lâu dài, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của toàn vùng ĐBSCL.
Nguồn: New.zing.vn
Tác giả: Thắng Quang